Áp lực của Clever Group

Avatar
Đăng bởi: Quỳnh Hoa
31/01/2021 20:27

Dù lĩnh vực cung cấp dịch vụ quảng cáo qua các nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao và lấn át các kênh quảng cáo truyền thống, hoạt động kinh doanh của Clever Group (ADG) được đánh giá đang chịu nhiều sức ép để có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao này trong tương lai.

Lợi nhuận 9 tháng tăng nhờ hoạt động tài chính

CTCP Clever Group (ADG) là một trong những doanh nghiệp chuẩn bị lên HOSE, với vốn điều lệ  180 tỷ đồng.

Yello Digital hiện cũng là cổ đông lớn nhất của ADG với sở hữu 40,22%, đứng thứ 2 là Ông Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch Hội đồng quản trị, với 26,6%. Như vậy, 2 cổ đông này đã sở hữu 2/­3 vốn tại doanh nghiệp.

Tiền thân là Công ty Cổ phần Quảng cáo Thông minh được thành lập năm 2008. Sau 12 năm, Clever Group hiện giới thiệu là đại lý quảng cáo CleverAds, đối tác cao cấp – Premier Partner lớn nhất của Google, Facebook tại Việt Nam. Thông qua các công ty con, ADG còn có hoạt động kinh doanh ở một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines và Myanmar.

Trong khoảng 4 năm trở lại đây nếu như lợi nhuận của ADG duy trì được sự tăng trưởng khá tích cực thì mức tăng trưởng doanh thu đang có dấu hiệu chậm lại.

Cụ thể, nếu như năm 2017, doanh thu của ADG đạt 247 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng thì năm 2018, doanh thu đạt 335 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 27% so với 2017. Năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 40,6 tỷ đồng – tăng gấp đôi 2018 thì doanh thu chỉ tăng 8% so với 2018, đạt 362,6 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 20,4 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2019 thì doanh thu của ADG chỉ tăng trưởng 7,5% với 247,5 tỷ đồng.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý thêm là mức tăng trưởng lợi nhuận cao của ADG trong 9 tháng 2020 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với lợi nhuận đạt 7,98 tỷ đồng, tăng gấp 43,07 lần cùng kỳ năm trước nhờ lãi tiền gửi và cho vay tăng mạnh. Trong khi đó phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính có mức tăng trưởng chậm hơn với chỉ 11,9% do các khoản chi phí đặc biệt là chi phí nhân công bán hàng, quản lý đã tăng mạnh 62,6%.

Có thể thấy, dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 9 tháng nhưng với mức tăng mạnh đến 72,3% của vốn chủ sở hữu cũng như mức tăng 83,3% của quy mô tổng tài sản mà hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của ADG hiện vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chịu tác động lớn từ dịch bệnh

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang gây rõ những khó khăn nhất định cho ADG khi nhiều doanh nghiệp tiết giảm chi phí, bao gồm cả các chi phí quảng cáo, truyền thông sẽ ảnh hưởng bất lợi cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà trước mắt là so với kế hoạch 498,6 tỷ đồng doanh thu và 55,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà Đại hội đồng cổ đông thường niên đặt ra cho năm 2020, kết quả thực hiện 9 tháng của ADG hiện vẫn còn cách đích khá xa.

Về dài hạn, việc hoạt động kinh doanh với nguồn thu chủ yếu từ việc quảng cáo cho các nền tảng công nghệ lớn cũng đồng nghĩa với sự phụ thuộc nhiều vào triển vọng của những ông lớn này, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro phụ thuộc lớn vào sự thay đổi trong các chính sách của đối tác. Chưa kể đến sự cạnh tranh từ các đối thủ cùng ngành sử dụng lợi thế chuyên môn hóa dịch vụ, ưu đãi về giá để cạnh tranh, bao gồm cả các đơn vị truyền thông trực tuyến nhỏ lẻ và cá nhân cung cấp các gói dịch vụ với chi phí thấp.

Báo cáo của CTCP chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) đánh giá ngành Quảng cáo Digital tại Việt Nam có tính cạnh tranh khá cao khi số lượng doanh nghiệp số lượng lớn và đồng đều về năng lực; áp lực giá từ Nhà cung cấp ngày một tăng do số nhà cung cấp ít và tập trung vào các tập đoàn lớn như Google, Facebook, … cũng như các chính sách giá mới của những đơn vị này; áp lực giá từ Khách hàng cũng có xu hướng tăng do các doanh nghiệp có xu hướng tập trung ngân sách Marketing vào đúng đối tượng mục tiêu thay vì dàn trải như trước; áp lực từ những đối thủ mới gia nhập do đặc thù ngành nghề không yêu cầu về đầu tư tài sản cố định, có tốc độ quay vòng vốn nhanh và phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp

Đây sẽ là những khó khăn với bài toán duy trì tăng trưởng của ADG. Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (Yeah1) cũng đã “nếm trái đắng” do bị đối tác YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung liên quan tới mảng YouTube Adsense từ ngày 31/3/2019, chỉ 9 tháng sau khi niêm yết khiến thị giá cổ phiếu YEG trên thị trường giảm mạnh cho thấy rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt khi phụ thuộc lớn vào 1 đối tác bên ngoài. Đến nay, sau nhiều nỗ lực tái cấu trúc, kết quả hoạt động kinh doanh của YEG vẫn chưa thể trở lại như thời hoàng kim.